Trồng Răng Implant: 4 Điều Bạn Cần Biết

Trồng răng implant là gì?

Phương pháp trồng răng implant được phát minh vào năm 1952 bởi một bác sĩ phẫu thuật chỉnh nha người Thụy Điển – Per-Ingvar Brånemark. Ngày nay, phương pháp này được xem là tiêu chuẩn điều trị phục hình thay thế răng mất trong ngành nha khoa.

Implant là một vật thể bằng kim loại có hình dạng như đinh vít được phẫu thuật đặt cố định vào xương hàm và sẽ tự liên kết với xương tự nhiên của bạn trong vài tháng sau đó. Implant đóng vai trò thay thế chân răng của răng đã mất và làm trụ giữ răng sứ hoặc cầu răng thay thế bên trên.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của implant là khả năng tích hợp với xương hàm gần như răng thật và nhờ đó nó có thể tự đứng vững mà không ảnh hưởng đến các răng lân cận cũng như có độ ổn định rất cao. Với những bước tiến lớn trong công nghệ và khoa học, ngày nay tỷ lệ thành công khi cấy ghép implant lên đến gần 98%.

1. Các loại implant phổ biến, loại implant nào tốt nhất?

Suốt nhiều thập kỷ qua, các vật liệu được sử dụng trong cấy ghép implant đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về các đặc tính vật lý và hóa học ảnh hưởng đến kết quả điều trị lâm sàng để đảm bảo chất lượng cho từng ca điều trị. Những đặc tính này bao gồm thành phần bề mặt và cấu trúc vi mô của mô cấy. Lý tưởng nhất là vật liệu cấy ghép phải tương thích sinh học và có khả năng chống ăn mòn cũng như chống đứt gãy. Chúng phải chứng minh đủ độ dẻo dai và độ cứng đồng thời thiết kế các bộ phận của implant cũng phải tương thích với các đặc tính vật lý của nó.

Từ những yêu cầu trên, các chuyên gia kết luận implant có thể được làm từ titan (hợp kim titan) hoặc từ zirconium.

Thực tế, vật liệu phổ biến nhất là titan hoặc hợp kim titan, và hiện nay có rất nhiều người trên toàn thế giới đã cấy ghép implant titan trong nhiều năm. Tuy nhiên, với một số người bị nhạy cảm hoặc dị ứng với kim loại, zirconium có thể là một lựa chọn tốt khi được sử dụng trong điều kiện lâm sàng phù hợp.

Một số hãng sản xuất trụ implant chất lượng cao nổi tiếng hiện nay có thể kể đến:

  • Straumann (Thụy Sĩ): đơn vị sản xuất implant nha khoa nổi tiếng thế giới với hơn 40 năm cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng hàng đầu. Straumann là hệ thống cấy ghép implant được các nha sĩ tại hơn 70 quốc gia lựa chọn với ưu điểm sản phẩm đa dạng, vật liệu Titanium có độ tinh khiết cao đồng thời có thiết kế đặc biệt phản ứng với mô tốt hơn nhờ đó bệnh nhân sẽ rút ngắn được thời gian lành thương. Với hơn 14 triệu ca cấy ghép được đặt thành công, Straumann tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của vô số người bị mất răng.
  • Nobel Biocare (Mỹ): Implant Nobel Biocare được làm từ titan tinh khiết cấp 4 với bề mặt được xử lý bằng TiUnite, một công nghệ độc quyền giúp tăng diện tích bề mặt của mô cấy. Tính năng độc đáo này có thể theo dõi nhanh tốc độ cấy ghép implant vào xương hàm. Do đó, implant từ thương hiệu này phù hợp nhất cho bệnh nhân bị tiêu xương hàm nhiều. Ngoài ra, implant Nobel cũng có độ ổn định cao.

2. Các kỹ thuật trồng răng implant thông dụng

Ghép xương

Để hỗ trợ tốt nhất cho việc cấy ghép răng implant, đặc biệt là ở những bệnh nhân mất răng lâu, xương hàm có thể cần được phục hồi hoặc tái tạo. Thủ thuật ghép xương sử dụng xương tự thân hoặc một loại vật liệu đặc biệt có chứa collagen và protein để kích thích sự phát triển của xương. Thông thường bệnh nhân sẽ phải đợi 3 – 6 tháng cho đến xương hàm đạt kích thước chuẩn, mật độ xương ổn định trước khi có thể tiếp tục tiến hành phẫu thuật cắm implant.

Nâng xoang

Nâng xoang được áp dụng để giải quyết tình trạng không đủ chất lượng và số lượng xương ở hàm trên, đồng thời có tác dụng nâng sàng xoang ở những bệnh nhân có xoang quá thấp khó để đặt trụ implant. Trong quy trình nâng xoang, sàng xoang được định vị lại, sau đó vật liệu ghép xương được sử dụng để củng cố xương xoang trước khi đặt trụ implant.

All-on-4®

Giống như tên gọi, All-on-4 là kỹ thuật thay thế toàn bộ răng trên hoặc dưới chỉ trên bốn trụ implant. Ngoài việc giảm bớt nhu cầu ghép xương, trồng răng All-on-4 có các trụ chuyên dụng cho phép đặt ngay một bộ răng thay thế tạm thời. Bệnh nhân sẽ mang răng tạm trong khoảng thời gian 3-6 tháng đồng thời phải tuân theo một chế độ ăn uống được khuyến nghị để giúp mô nướu lành và tích hợp xương nhanh hơn. Các răng tạm sau đó sẽ được thay thế bằng một cầu răng vĩnh viễn đầy đủ chức năng và trông tự nhiên như răng thật.

All-on-6®

Kỹ thuật All-on-6 cũng tương tự như All-on-4 chỉ khác biệt ở số lượng implant, cụ thể bệnh nhân sẽ được cắm 6 trụ implant cố định thay vì 4. Khi thực hiện động tác ăn nhai, áp lực chủ yếu dồn lên các răng sau do đó implant All-on-6 sẽ giúp xương hàm của bạn có sự ổn định cao hơn so với kỹ thuật All-on-4.

Tuy nhiên, cả 2 kỹ thuật implant vừa nêu đều rất tân tiến, đáp ứng tốt nhu cầu phục hình răng mất và mang lại độ bền cao, việc lựa chọn kỹ thuật nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bệnh nhân cần tư vấn kỹ với nha sĩ để có lựa chọn tốt và phụ hợp nhất cho mình.

Cấy ghép implant trong ngày

Cấy ghép implant trong ngày là phương pháp đang rất được ưa chuộng hiện nay, giúp những người bận rộn điều chỉnh tình trạng răng bị mất trong thời gian ngắn. Phương pháp này đảm bảo cấu trúc xương hàm bền vững, hồi phục chức năng ăn nhai tốt và tạo tính thẩm mỹ cho răng miệng chỉ trong 1 ngày. Kỹ thuật này phù hợp với những ai có đủ xương hàm khỏe mạnh để nâng đỡ implant một cách chắc chắn và chịu được áp lực lên răng phục hình tạm thời.

3. Quy trình trồng răng implant

1. Khám và chẩn đoán

Trước tiên nha sĩ điều trị hoặc bác sĩ trồng răng implant sẽ thăm khám toàn diện để xác định chính xác nhất tình trạng xương hàm và lựa chọn phương pháp trồng răng phù hợp. Những đánh giá ban đầu này bao gồm chụp X-quang, CT scan, lấy dấu và chọn màu răng để implant trông tự nhiên nhất có thể.

Ở bước đầu tiên này, bệnh nhân cũng sẽ trao đổi với nha sĩ những mong muốn cá nhân, tình trạng sức khỏe răng miệng và tiền sử điều trị nha khoa nếu có.

2. Lập kế hoạch điều trị

Sau khi đã có được những thông tin đầy đủ, nha sĩ sẽ tiến hành lập kế hoạch điều trị chi tiết và thảo luận với bệnh nhân trong buổi hẹn tiếp theo để chọn được kế hoạch toàn diện nhất, đáp ứng các nhu cầu về thẩm mỹ, chức năng ăn nhai hay tiết kiệm chi phí.

3. Nhổ răng

Trường hợp răng tại vị trí cần đặt trụ implant vẫn chưa mất, nha sĩ sẽ tiến hành nhổ bỏ nó trước khi thực hiện công việc cấy ghép. Bước này cũng có thể thực hiện ngay trong khi phẫu thuật cắm implant.

4. Ghép xương

Như đã đề cập ở phần trước, ghép xương được chỉ định trước khi trồng răng implant nhưng không phải là một công đoạn bắt buộc, chỉ cần thiết ở những bệnh nhân mất răng lâu, có xương hàm bị tiêu biến nhiều hoặc xương hàm mỏng, mềm.

5. Phẫu thuật cấy ghép implant 

Đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất trong quy trình trồng răng Implant. Đầu tiên bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ (hoặc gây mê, nhưng hiếm gặp) sau đó tiến hành rạch nướu để lộ xương. Tiếp đến khoan lỗ vào xương và định vị trụ implant sâu vào xương với công dụng thay thế chân răng bị mất.

Trường hợp cắm nhiều trụ implant hoặc thực hiện cùng lúc những thủ thuật khác như phẫu thuật ghép xương, nâng xoang,.. bệnh nhân cần 2 – 3 ngày nghỉ dưỡng. Nếu chỉ cấy ghép 1 implant, bệnh nhân hoàn toàn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường ngay sau đó.

6. Đặt trụ nối

Sau 3-6 tháng, khi quá trình tích hợp xương hàm ổn định, nha sĩ sẽ đặt chốt nối (Abutment) lên trên chân implant. Đây là một trong 3 thành phần cấu tạo nên một chiếc răng implant hoàn chỉnh, có nhiệm vụ nối giữa chân implant và phần mão sứ bên trên.

7. Lắp răng sứ

Khi implant đã hoàn toàn tích hợp vào xương và đủ chắc để hỗ trợ việc ăn nhai, công đoạn sau cùng của quy trình trồng răng implant là lắp mão răng sứ sẽ được thực hiện. Răng sứ được chế tạo bởi kỹ thuật viên phòng lab dựa trên các thông số và màu sắc mà nha sĩ điều trị đã thống nhất với bệnh nhân. Răng sứ càng tinh xảo thì kết quả điều trị càng thành công và tự nhiên như răng thật.

Lưu ý: đây là quy trình chuẩn của cấy ghép implant thông thường. Trường hợp bệnh nhân có sức khỏe tốt, xương hàm tốt đủ khả năng chịu lực, việc phục hình cố định có thể tiến hành nhanh hơn hoặc bệnh nhân có thể chọn phương pháp cấy ghép implant trong ngày.

4. Ưu điểm của Implant so với cầu răng sứ

Ưu điểm:

  • Tính thẩm mỹ cao, răng implant được cấy ghép trông hoàn toàn giống răng thật
  • Phục hồi khả năng ăn nhai như răng thật
  • Độ bền cao, thời gian tồn tại vĩnh viễn
  • Màu sắc răng không đổi theo thời gian
  • Không tác động hay xâm lấn đến răng thật, không cần mài răng
  • Không ảnh hưởng đến nướu
  • Giúp hạn chế tình trạng tiêu xương hàm
  • Chăm sóc dễ dàng, không mất nhiều thời gian.
  • Phù hợp cả với các trường hợp mất một răng, nhiều răng hay nguyên hàm

Nhược điểm:

  • Thời gian hoàn thiện quá trình cấy ghép từ 1-3 tháng
  • Công nghệ hiện đại, kĩ thuật cấy ghép tương đối phức tạp nên chi phí cao hơn phương pháp bắc cầu răng sứ

Các câu hỏi thường gặp về trồng răng implant

Trồng răng implant có đau không?

Đáp án phụ thuộc vào mức độ phức tạp của ca bệnh và mức độ chịu đau của bệnh nhân nhưng hầu hết đều diễn ra suôn sẻ và chỉ gây khó chịu ở mức độ vừa phải. Trong quá trình thực hiện, thông thường nha sĩ phẫu thuật sẽ gây tê cục bộ và đa số bệnh nhân cho biết rằng họ thậm chí cảm thấy ít đau hơn so với nhổ răng.

Sau khi cấy ghép, bạn có thể điều trị đau nhức nhẹ bằng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Tylenol hoặc Motrin.

Trồng răng implant có an toàn không?

Suốt hơn 50 năm qua, cấy ghép răng được coi là một thủ thuật thay thế răng an toàn. Đối với đa số bệnh nhân có sức khỏe tốt, việc cấy ghép implant sẽ cực kỳ thành công khi được thực hiện bởi một chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.

Tuy nhiên cũng như bất kỳ thủ thuật y khoa nào khác, cấy ghép implant vẫn có một mức độ rủi ro nhỏ. Do đó, bệnh nhân cần đáp ứng đủ các điều kiện nhất định về sức khỏe trước khi điều trị. Nếu nằm trong nhóm có nguy cơ, nha sĩ sẽ thảo luận kỹ về bất kỳ vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra để bệnh nhân đưa ra quyết định an toàn và chính xác nhất. Như vậy tỷ lệ thất bại của cá cấy ghép implant sẽ được giảm đến mức tối thiểu.

Một số trường hợp chống chỉ định với implant bao gồm trẻ em dưới 17 tuổi, phụ nữ mang thai, người bị bệnh mãn tính (tiểu đường, bạch cầu, tim mạch,…), người nghiện thuốc lá nặng, người có xương hàm quá mỏng.

Trồng răng implant mất bao lâu?

Trồng răng implant mất bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe và tình trạng răng của bệnh nhân:

  • Trường hợp 1: nếu mật độ xương hàm còn tốt, răng miệng khỏe mạnh, không nhiễm bệnh lý, thì thời gian cấy ghép Implant chỉ mất khoảng 1 ngày.
  • Trường hợp 2: mật độ xương hàm còn tốt, nhưng răng cấy ghép ở vị trí chịu lực kém như răng cửa hai bên, răng hàm dưới, thì thời gian cấy ghép phải mất từ 5 – 7 ngày.
  • Ngoài ra: nếu xương hàm đã bị tiêu đi, mật độ xương không còn đủ để tích hợp chắc chắn với xương hàm. Bắt buộc bác sĩ sẽ phải chỉ định cấy ghép xương, việc làm này sẽ kéo dài thời gian cấy ghép Implant lên từ 1 – 3 tháng.

Trồng răng implant bền được bao lâu?

Tuổi thọ và độ bền của răng Implant là một trong những vấn đề được nhiều khách hàng quan tâm. Phương pháp trồng răng Implant được đánh giá là lâu dài hơn so với làm cầu răng giả hoặc hàm tháo lắp và trung bình có thể sử dụng 10-20 năm. Tuy nhiên, tuổi thọ của răng Implant phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như:

  • Chất lượng răng Implant và quy trình cấy ghép có được thực hiện đúng tiêu chuẩn
  • Cách chăm sóc răng cần đúng cách và khoa học
  • Tuân thủ lịch hẹn thăm khám định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề và điều trị kịp thời

Trồng răng implant ở đâu tốt?

Để có được một chiếc răng implant bền đẹp, tự nhiên như răng thật cần phối hợp rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là tay nghề của bác sĩ phẫu thuật cũng như nha sĩ điều trị. Do đó, trước khi tiến hành trồng răng implant, bạn nên tìm hiểu kỹ các thông tin về phòng khám, đội ngũ nhân viên, cơ sở vật chất cũng như chế độ bảo hành nha khoa để tìm được cho mình một trung tâm nha khoa uy tín và phù hợp nhất.

Đồng thời, việc trồng răng ở các cơ sở nha khoa chất lượng cao cũng giúp bạn hạn chế và phòng tránh các biến chứng không mong muốn như trồng răng thất bại, nhiễm trùng,…

Trồng răng implant có bị hôi miệng không?

Một vài bệnh nhân sau khi trồng răng Implant cho biết hơi thở của họ có mùi khó chịu, làm cho nhiều người khác e ngại khi muốn trồng răng bằng phương pháp này.

Lý do phổ biến nhất khiến hơi thở có mùi là vì khách hàng sau khi trồng răng Implant vệ sinh răng miệng không kỹ và thường xuyên, tạo môi trường cho vi khuẩn trong khoang miệng sinh sôi, hoặc do kỹ thuật của phòng khám, chuyên môn của bác sĩ khiến thức ăn đọng quanh những vi kẽ quanh răng sứ, quanh bờ implant..

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: bệnh nhân uống nhiều rượu bia khiến tuyến nước bọt giảm, bệnh nhân tiếp tục hút thuốc lá, vật liệu không đảm bảo chất lượng, tay nghề bác sĩ yếu làm tổn thương các tế bào nướu. Hoặc cũng có trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với vật liệu làm răng nhưng rất hiếm gặp.

Để phòng ngừa tình trạng này trước tiên phải chú ý đến vệ sinh răng miệng sau điều trị, nếu bị hôi miệng lâu ngày không khỏi nên đến gặp nha sĩ để có phương hướng xử lý kịp thời.